Viêm phế quản

Liệu bé yêu của bạn có bị viêm phế quản ?

Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của viêm phế quản rất giống với những triệu chứng của các bệnh về đường hô hấp như ho, viêm họng… Nếu không biết chính xác để phân biệt, bé yêu nhà bạn có thể gặp phải nhiều phiền phức.

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm không khí ở hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và TP. HCM thường xuyên ở mức nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe đường hô hấp, với chỉ số bụi vô cơ, hữu cơ khí thải… đặc biệt là bụi mịn PM2.5 vượt ngưỡng an toàn. Trước tình trạng này, trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất do hệ miễn dịch còn non nớt, chưa hoàn thiện. Viêm phế quản là một trong những bệnh đường hô hấp mà trẻ hay mắc phải, trở thành nỗi “ám ảnh” thường trực của nhiều bậc phụ huynh ở thời điểm này. Làm thế nào để phát hiện sớm bệnh viêm phế quản ở trẻ nhỏ? Hãy cùng Hello Bacsi xem tiếp những chia sẻ dưới đây để hiểu thêm nhé. 

Viêm phế quản – Mối nguy “chực chờ” trong bầu không khí ô nhiễm nghiêm trọng
Viêm phế quản là tình trạng đường thở dưới hay cuống phổi bị viêm nhiễm, sưng đau và tích tụ dịch nhầy. Ở trẻ nhỏ, bệnh viêm phế quản được phân làm hai loại là cấp tính hoặc mạn tính. Viêm phế quản mạn tính có thể kéo dài từ vài tháng tới nhiều năm, trong khi đó viêm phế quản cấp ở trẻ em thường diễn ra trong thời gian ngắn. 

Theo các chuyên gia y khoa, ở giai đoạn sớm, các triệu chứng của viêm phế quản thường khó phát hiện và dễ bị nhầm lẫn sang các bệnh khác. Cụ thể, trẻ sẽ:

  • Sổ mũi
  •  Đau họng
  •  Mệt mỏi
  • Hắt xì
  •  Đau lưng và đau cơ
  • Sốt nhẹ từ 37,7°C đến 38°C

Ho khan là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh viêm phế quản và có thể kéo dài từ 10 ngày đến ba tuần. Ngoài ra, bạn còn có thể nhận thấy sự thay đổi màu sắc của dịch mũi, đờm, từ màu trắng chuyển sang màu xanh lá cây hoặc màu vàng. Điều này không nói lên được bé yêu nhà bạn bị nhiễm trùng do virus hay vi khuẩn mà chỉ là dấu hiệu cho biết hệ miễn dịch của trẻ đang hoạt động hết công sức để chống chọi lại với các tác nhân gây hại.

Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ sẽ gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Nếu thấy trẻ có các dấu hiệu sau, bạn cần đưa trẻ đi khám ngay: 

  • Sút cân không rõ lý do
  • Ho dữ dội và liên tục (ho liên tục như ho gà, cảm giác như trẻ chỉ dừng cơn ho để thở rồi lại ho tiếp), ho co thắt
  • Sốt rất cao, thậm chí có thể lên đến 40°C, ít đáp ứng với thuốc hạ sốt, có thể li bì, co giật, thậm chí hôn mê nếu không hạ sốt kịp thời
  • Khó thở, tím tái
  • Rối loạn tiêu hóa (bỏ ăn, chán ăn, chướng bụng, nôn ói, tiêu chảy…).

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần lưu ý là do hệ miễn dịch của trẻ còn chưa hoàn thiện nên khi bị viêm phế quản, bản thân trẻ chưa “sản xuất” ra đủ các yếu tố để chống lại các vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Do đó, bệnh sẽ chuyển biến nhanh và nặng hơn ở người lớn. Hơn nữa, hệ bạch mạch và hệ mạch máu ở trẻ rất phong phú, đan xen lẫn nhau như mạng nhện nên vi khuẩn khi đi vào cơ thể rất dễ lan nhanh từ chỗ này đến chỗ khác. Đồng thời cây phế quản ở trẻ em còn ngắn và hẹp, do đó mỗi khi viêm rất dễ bị bít tắc do niêm mạc bị phù nề và dịch đờm dãi.

Nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm phế quản ở trẻ nhỏ

“Thủ phạm” chính gây viêm phế quản ở trẻ nhỏ là  virus và vi khuẩn. Ngoài ra, còn có các yếu tố khác như môi trường ô nhiễm, khói bụi, bụi mịn trong không khí… hoặc do trẻ mắc các bệnh lý khác về phổi.

  • Nhiễm virus: Chiếm 85 – 95% các trường hợp, phổ biến nhất là virus influenza. Trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 3 tuổi là nhóm tuổi thường rất dễ mắc bệnh này. Ngoài ra, còn có các loại virus khác như virus hợp bào hô hấp (Respiratory syncytial – RSV), virus parainfluenza (gây viêm đường hô hấp trên và dưới), sởi, virus adeno (gây co thắt phế quản, phổi dẫn đến hoại tử phổi) và cúm. Bé có thể bị nhiễm các virus này trong không khí, đồ chơi và các bề mặt khác.
  • Nhiễm khuẩn: Một số loại vi khuẩn gây bệnh viêm phế quản thường gặp là Mycoplasma pneumoniae, Chlamydia pneumoniae và Bordetella pertussis (gây ho gà).
  • Dị ứng: Tiếp xúc với các hóa chất có thể gây viêm khí quản và ống phế quản. 
  • Các bệnh lý về phổi: Những trẻ bị hen suyễn thường dễ bị viêm phế quản. Trong trường hợp này, viêm phế quản không phải là bệnh truyền nhiễm vì nó không phải do virus hay vi khuẩn gây ra.

 

ô nhiễm không khí

ô nhiễm không khí 

Ngoài 4 nguyên nhân chính kể trên, còn có một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:

  • Thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá
  • Hệ miễn dịch yếu, không có đủ sức đề kháng
  • Trào ngược dạ dày
  • Thường xuyên tiếp xúc với các chất kích thích, khói bụi hoặc hóa chất
  • Không tiêm phòng đầy đủ các vắc xin theo lịch tiêm chủng như vắc xin cúm, viêm phổi và ho gà

Đặc biệt, bạn cũng cần biết rằng viêm phế quản là bệnh có tính truyền nhiễm. Bệnh rất dễ lây thông qua dịch tiết nước bọt bắn ra trong quá trình nói chuyện hoặc do tiếp xúc với vi khuẩn, virus gây bệnh bám trên các vật dụng thông thường như tay nắm cửa, nút bấm thang máy… Do đó,  việc giữ vệ sinh tay kém, ít rửa tay thường xuyên và không chú ý đến việc chăm sóc, vệ sinh thân thể ở người lớn và trẻ nhỏ cũng là một yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. 

Điều trị viêm phế quản ở trẻ nhỏ như thế nào?
Phương pháp điều trị viêm phế quản ở trẻ nhỏ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu bé bị viêm phế quản do vi khuẩn, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc kháng sinh. Trường hợp bệnh do virus, thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng gì, lúc này bệnh sẽ tự cải thiện trong 7 – 10 ngày. Dưới đây là một số mẹo để giảm bớt các triệu chứng của bệnh viêm phế quản trong thời gian chờ đợi bé hết bệnh:

  • Cho bé uống nhiều nước: Việc uống đủ nước sẽ giúp giảm bớt tình trạng đường hô hấp bị tắc nghẽn, giúp dễ ho, tống xuất đờm ra ngoài dễ dàng và ngăn ngừa mất nước.
  • Dùng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ có thể giúp bé thở dễ dàng hơn. Tuy nhiên, khi sử dụng, hãy chú ý giữ vệ sinh bởi nếu bị nhiễm bẩn, thiết bị có thể làm lây lan vi trùng qua không khí. 
  • Dùng nước muối sinh lý để giúp bé giảm nghẹt mũi. Bạn chỉ cần nhỏ một hoặc hai giọt vào lỗ mũi bé, sau đó lấy khăn lau. Với những bé lớn hơn, hãy dạy bé cách để tự làm vệ sinh mũi.
  • Giữ vệ sinh môi trường sống: Thời tiết lạnh, khói bụi trong không khí ô nhiễm có thể gây kích ứng đường hô hấp của bé. Do đó, bố mẹ nên giữ gìn phòng ốc sạch sẽ, ấm áp, giữ bé tránh xa khỏi những người hút thuốc để bé hồi phục nhanh hơn.
  • Uống mật ong: Mật ong có đặc tính kháng virus và kháng khuẩn nên có tác dụng làm dịu cổ họng. Ngoài ra, mật ong còn giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, bạn không nên cho bé dưới 1 tuổi uống mật ong vì có thể gây ngộ độc thực phẩm.

Cho trẻ uống mật ong

cho trẻ uống mật ong

Để hạ sốt và giảm đau, bạn có thể cho bé uống thuốc acetaminophen hoặc ibuprofen với liều lượng thích hợp. Bạn không nên cho bé uống aspirin vì thuốc có thể làm bé mắc hội chứng Reye, một tình trạng hiếm gặp nhưng có thể gây tử vong. Ngoài ra, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cũng khuyến nghị cha mẹ nên tránh cho trẻ sử dụng các loại thuốc ho và cảm lạnh. Bởi một số nghiên cứu cho thấy những loại thuốc này không có hiệu quả ở trẻ em, không những vậy, chúng còn thể gây ra một số tác dụng phụ không tốt.

Phòng ngừa viêm phế quản ở trẻ nhỏ bằng những biện pháp đơn giản
Không có cách nào để ngăn chặn hoàn toàn viêm phế quản bởi bệnh này do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Tuy nhiên, bạn có thể giúp bé yêu nhà mình giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bằng một số biện pháp dưới đây:

  • Chăm sóc sức khỏe của phụ nữ mang thai tốt nhất nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ sinh non khiến trẻ sinh ra có sức đề kháng yếu.
  • Cho bé bú mẹ trong 6 tháng đầu, thời gian bú mẹ càng lâu càng tốt.
  • Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống của bé thường xuyên, không cho bé tiếp xúc với người hút thuốc lá, người mắc bệnh lây nhiễm virus
  • Theo dõi thời tiết, mặc đủ ấm cho bé khi thời tiết chuyển mùa nóng sang lạnh
  • Đảm bảo một chế độ đầy đủ dinh dưỡng và ngủ đủ giấc
  • Tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm để chống lại một số loại virus gây bệnh viêm phế quản
  • Khi cho trẻ đi ra đường, bạn cần cho bé đeo kính, khẩu trang có tính năng lọc bụi mịn nhằm tránh việc trẻ hít phải các chất gây hại cho đường hô hấp như khói, bụi mịn, hóa chất và nhiều chất gây ô nhiễm khác.

Ngoài ra, vệ sinh tay cũng là một trong những phương pháp phòng bệnh cực hữu hiệu mà bạn lưu ý cho cả trẻ nhỏ lẫn người lớn bởi bệnh viêm phế quản là bệnh dễ lây lan qua tiếp xúc thông thường. Chỉ một động tác rửa tay với xà phòng đã làm giảm tới 19 – 45% nguy cơ nhiễm khuẩn đường hô hấp, trong đó có bệnh viêm phế quản. Chính vì vậy, việc rửa tay với xà phòng hoặc nước rửa tay sạch khuẩn được xem như một liều vắc xin hiệu quả, tiết kiệm, dễ thực hiện để bảo vệ sức khỏe.

Tuy nhiên, trẻ nhỏ thường có thói quen rửa tay vội vàng, nếu sử dụng các loại bánh xà phòng hay nước rửa tay thông thường sẽ rất khó làm sạch được vi khuẩn. Do đó, bạn cần chọn những sản phẩm nước rửa tay có công thức sạch khuẩn siêu tốc chứa ion bạc để đảm bảo bàn tay bé luôn sạch vi khuẩn. Đặc biệt, ngoài việc nhắc nhở trẻ, bạn và những người chăm sóc cũng cần rửa tay và khử trùng đồ chơi, vật dụng của trẻ thường xuyên để hạn chế lây nhiễm virut

Các bài viết của  Nhà thuốc Tuệ Lâm chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Rate this post
Bài viết liên quan

Tư vấn miễn phí (24/7) 094 179 2255