Lựa chọn thuốc chữa đau đầu

Đau đầu 

TÓM TẮT

Đau đầu là một triệu chứng thường gặp của nhiều bệnh trong cộng đồng, ở mọi lứa tuổi.
Có thể gặp đau đầu nguyên phát, hoặc thứ nhát (sau một bệnh khác)… làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Vậy, khi bị đau đầu nên dùng thuốc gì?
Các nguyên nhân gây đau đầu
Có rất nhiều nguyên nhân gây đau đầu, có nguyên nhân nguy hiểm nhưng cũng có những nguyên nhân chỉ thoáng qua hoặc chỉ xuất hiện khi bệnh chính còn tồn tại, khi điều trị bệnh chính khỏi, đau đầu sẽ khỏi.
Trong cuộc sống thường ngày đau đầu có thể do mắc bệnh nhiễm trùng như viêm amidan cấp, viêm họng cấp, đặc biệt là viêm não – màng não cấp do vi khuẩn hoặc virut. Đau đầu có thể do co thắt động mạch não gây đau đầu nhiều, thậm chí dữ dội. Những người bị viêm xoang cấp hoặc mạn tính, đau răng thường gặp chứng đau đầu có lúc đau dữ dội nhưng đôi khi lại đau đầu âm ỉ, dai dẳng, nhất là lúc thay đổi thời tiết. Một số bệnh mạn tính kèm theo đau đầu như bệnh tăng huyết áp (khi huyết áp tăng sẽ gây đau đầu) hoặc bệnh huyết áp thấp, rối loạn tuần hoàn não, đau đầu do căng thẳng thần kinh (stress) là các loại đau đầu thường gặp nhất. Theo thống kê của các nhà chuyên môn, có khoảng 90% số người trưởng thành có loại đau đầu này, đặc biệt gặp nhiều ở nữ giới.

Khi bị đau đầu nên dùng thuốc gì?
Như vậy, đau đầu do nhiều nguyên nhân, nếu đau đầu do một bệnh nào đó gây ra (nhiễm trùng, tăng huyết áp, u não, rối loạn tuần hoàn não… thì cần điều trị nguyên nhân kết hợp với thuốc giảm đau đầu. Nếu đau đầu do mắc bệnh nhiễm trùng, sâu răng, cần dùng kháng sinh điều trị kết hợp với thuốc giảm đau. Tuy nhiên, dùng loại kháng sinh gì là do bác sĩ khám bệnh chỉ định, người bệnh không được tự mua thuốc kháng sinh để điều trị.
Thuốc giảm đau đầu thông dụng nhất là paracetamol (hay acetaminophen). Thuốc paracetamol thường được sử dụng để giảm đau và hạ sốt như đau đầu, đau cơ, đau răng… và thuốc này có nhiều biệt dược khác nhau trên thị trường (cần đọc kỹ thành phần trước khi dùng thuốc để tránh dùng nhiều loại thuốc có chứa cùng hoạt chất là paracetamol sẽ gây quá liều. Tuy vậy, khi dùng thuốc paracetamol để chữa bệnh đau đầu, cần lưu ý là thuốc có một số tác dụng phụ, đặc biệt nếu đã hoặc đang mắc bệnh về gan, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng, bởi vì, paracetamol độc hại với gan… Cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc này với bệnh nhân uống rượu nhiều hoặc người có tiền sử bệnh lý về gan.
Ngoài ra, paracetamol còn được phối hợp với các thành phần khác trị cảm cúm (như thuốc chống dị ứng – Diphenhydramine, thuốc ho…), hoặc kết hợp với thuốc giảm đau khác như codein, cafein… (để tăng tác dụng giảm đau của thuốc). Các thành phần phối hợp này cũng có thể gây ra những bất lợi không mong muốn cho người dùng, ví dụ diphenhydramin có thể gây buồn ngủ, vì vậy những người lái xe, vận hành máy cần hết sức thận trọng khi dùng các loại thuốc này; cafein gây nhịp tim nhanh nên những người có bệnh tim mạch cần cẩn trọng.
Người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc để biết được chống chỉ định của thuốc mình định dùng, những thận trọng cần thiết khi uống, cách sử dụng thuốc hợp lý, an toàn.
Thuốc chống viêm không steroid như aspirin, ibuprofen, diclofenac, naproxen cũng được dùng trị đau đầu. Thuốc có tác dụng làm giảm cơn đau đầu khá nhanh nhưng các thuốc này lại có khá nhiều tác dụng phụ, đáng chú ý là gây kích thích niêm mạc dạ dày và gây chảy máu đường tiêu hóa. Ngoài tác dụng xấu đối với dạ dày, thuốc còn ảnh hưởng đến quá trình đông máu, vì vậy, trong bệnh sốt xuất huyết do virut Dengue không được dùng các thuốc này trị đau đầu, hạ sốt.
Với bệnh đau nửa đầu Migraine, bên cạnh dùng các thuốc đặc trị (sibelium, flunarizin, tamik, piracetam…) đôi khi vẫn phải dùng thêm các thuốc giảm đau như acetaminophen (paracetamol) hoặc thuốc chống viêm không steroid…
Người bị bệnh đau đầu cần lưu ý, hầu hết các thuốc chữa đau đầu bán trên thị trường có thể mua tự do, vì vậy, người dùng cần phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ trước khi dùng.

Nhà Thuốc Tuệ Lâm 

Rate this post
Bài viết liên quan

Tư vấn miễn phí (24/7) 094 179 2255